Làng nghề truyền thống

Nghề làm khóa, sửa chìa có hàng trăm năm nay ở các làng Tự Trúc, Tư Khoát, Ngọc Hồi, Văn Điển thuộc tây nam Hà Nội, theo kiểu cha truyền con nối, thợ đi rong ngõ ngách kiếm ăn. Trước năm 1954 phôi không có, phải chặt sắt, rập, rũa làm chìa cho vào khuôn, một cái làm hàng giờ.

Làng nghề truyền thống


Ông Vũ Xuân Bang, một thợ khóa có tiếng trong làng 
Tương Chúc, xã Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội


Tôi nhớ tiếng rao "Khóa… ơ" một thời, nhớ có phố Hàng Khóa ở gần Hàng Bút và Hàng Đồng nhưng ngắn lắm, sau họ bỏ đi. Người các làng trên ra thuê nhà, thợ, làm nghề. Dụng cụ rất đơn giản, chỉ kìm, búa, rũa, đe và trăm chìa sắt chặt ra. Thế mà hiếm hoi, chả như cánh thợ sửa xe đạp năm mười mét một vị. Có vài ông ngồi ở chợ Hôm, ngoài ga, Thuốc Bắc… làm nghề đúng là tiểu thủ công, phản ánh rõ ràng trình độ đất nước. Thế mà nhiều ông có "cái đầu", giàu lên được. Thời cải tạo tư bản tư doanh thợ khóa có một cụ là K. bị quy tư sản.

Thời kỳ đó khóa đơn giản, chỉ cậy bi ra mà làm rồi bịt nhôm vào. Thi thoảng gặp khóa nhíp của Pháp để lại, không có bi, thanh thép đặt chồng lên nhau mà cắt chìa. Kỹ thuật không cao, muốn nâng tay nghề cũng không có khóa mà thử nghiệm. Những năm bẩy mươi gieo neo lại có khóa rởm, nấu gang, làm phôi, cầu, khoan lỗ… Bi chỉ hai ba viên, chìa sắt, có 10 thì 7 cái trùng nhau, đổ hàng lên chợ Đồng Xuân, Bắc Qua, bảo đảm… mất trộm 100%. Năm 1980, 3 nước XHCN giúp ta nhà máy khóa. Trung Quốc giúp nhà máy 1-12 ở Hải Phòng, khóa 1-12 hệt khóa Địa Cầu của họ về hoa văn và bi. Khóa Việt Tiệp là con đẻ của khóa Tiệp Khắc (FAB) "đầu bảng cả phe" về kỹ thuật và kim loại màu, trên cả Liên Xô, Trung Quốc. Nhà máy bi, khóa, xích, líp xây bên Đông Anh. Còn Ba Lan cho nhà máy khóa Minh Khai ở ngõ Hòa Bình 6 phố Minh Khai. Khóa Hải Phòng làm dễ cậy bi là làm lại, khóa Việt Tiệp, Minh Khai thì bi ngược kiểu châu Âu, phải mò và mò. Kỹ thuật tìm bi với nan hoa, móc, thợ gọi là "bộ mở" ra đời, rút ngắn thời gian, được coi như bí mật quốc gia, không truyền cho nhau.

Năm 1980, thợ khóa ngồi từng dãy theo kiểu bạn phường, Mơ 6, 7 ông, Nguyễn Du, Chợ Hôm, Ga, Nguyễn Thái HọcLương Văn Can, Bách hóa Nam bộ vài người, cả thành phố không nổi trăm thợ. Nghĩa là tay nghề đã nâng lên nhưng môi trường thì chưa có.

Cách mạng kỹ thuật

Rất nhiều thợ khóa có tuổi nói "Cảm ơn thời mở cửa, tạo nên cuộc cách mạng kỹ thuật, nâng tay nghề thợ cao đến mức "chuyên viên". Giống như bên xe máy, khi những "Cá vàng", "Cá xanh", "Cá ươn", "Ba bét ta" chưa kịp cũ thì xe Nhật, dù hàng bãi đã nhảy vào "đập chết ăn thịt", thợ có điều kiện học hỏi mênh mông. Xe cub Nhật vào nhiều, chìa đuôi nhựa mở cả xăng, điện và cổ, thợ không tức tốc "mổ xẻ" thì chết đói. Mà tư bản có "thói xấu" đổi kiểu dáng, mẫu mã xoành xoạch. Phát hiện được lối làm chìa xe Nhật là gốc để "hóa giải" những Dream, Hou xung... Việt Nam và Hà Nội thành nơi cạnh tranh các loại xe máy. "Con" Attila Đài Loan năm 2000 là chìa cơ thì từ năm 2008 dùng chìa từ, những Wave S, VSC 110, Clacsic… cũng thế, dài như chìa ôtô. Rồi là loạt xe cả trăm triệu, những @, SH, PS… làm không tốt là hỏng cả gia sản người ta.

Đến lượt ô tô. Nếu thời bao cấp những Bắc Kinh, IFA, Zil, Volga, Lada thợ cho là "muỗi" thì giờ đây "đừng đùa" với dòng xe mới. Xe càng to càng dễ làm, như tải Huyndai 10 tấn nhưng loại du lịch 4, 7 chỗ thì vô cùng "xương sẩu". Trong 14 hãng nổi tiếng vào Việt Nam như Ford, Chevrolet, FIAT, Huyndai, Toyota, Pigiô… hẳn "Mẹc" và BMW sang nhất.

Mở cửa giải quyết được rất nhiều nguyên liệu sản xuất khóa. Nhiều gia đình còn giữ khóa Việt Tiệp chìa đồng dày dặn có hình "Chùa Một Cột" nhưng đã không dùng. Người có vốn bỏ hàng trăm triệu mua máy cán chìa, đột, rập sản xuất cho thợ làm. Đồng Xuân, Bắc Qua, chợ tạm Cửa Đông vài chục hàng bán chìa, mua vài cái đến hàng bao tải các chủng loại đều có. Thợ ở tỉnh xa lên Hà Nội mua bạc triệu, chìa ta đạt 80% mỹ thuật của Tây. Bà Đấu 29 Hàng Gà, ngay thời khó khăn nhất và sang thời mở cửa, toàn đổ buôn chợ Đồng Xuân và bán lẻ cho thợ. Bà rất chiều thợ, sởi lởi, bao giờ cũng thêm cho "mát tay" mà làm ăn. Tết thợ có con nhỏ lên chúc bao giờ cũng được mừng tuổi. Gia đình thợ mua quen, chẳng may "cha già, mẹ héo" bà biết địa chỉ đến phúng hay gửi người cầm đến. Thế nên người ấy khó quên, không muốn đi nơi khác lấy chìa.

Thuốc Bắc nghiễm nhiên thành phố bán các loại khóa. Cửa hàng nào cũng sáng choang, sầm uất quanh năm khóa cửa, khóa kính, quả đấm tròn, clê môn, khóa càng xe máy, khóa dây… Khóa tủ có 15 ngàn đến khóa cửa Pano (đóng vào gỗ) của Anh, Pháp, Mỹ, Italia vài trăm ngàn, vài triệu đủ cả, nhưng thật hay nhái rất khó kiểm định.

 

Phố bán khóa Thuốc Bắc

Khóa vào càng nhiều, càng đòi hỏi thợ tay nghề cao. 15 năm mở cửa bằng cả 50 năm giữa thế kỷ XX về kỹ thuật làm nhanh, mở nhanh, chính xác. Nhiều xe máy Nhật làm 5, 7 phút 2 chìa, nhiều khóa Việt Tiệp mở được tính từng giây, không khác gì "phù thủy". Thợ khóa "mát mặt" hơn ông cha của họ ở làng nghề, giỏi hay "già làm cho vui" thì cũng nhì nhằng đôi bốn triệu một tháng và đều dùng di động. Họ được "ưu đãi", mời về tận nhà trên xe máy, có khi "rước" bằng ôtô, đối xử tử tế mà giá "ngất ngưởng". Ông T. năm 2000 đi ôtô về Đan Phượng làm 1 chìa cho máy quay bê tông Nhật Bản với giá 100.000 đồng. Anh giỏi giang bao giờ cũng kiêu kiêu, "khó khăn một tý" nhưng rồi vẫn sách đồ đi. Có giai thoại về chiếc Toyota Camry mất chìa ở đầu làng Tự Trúc. Biết là "làng làm khóa", lái xe vào gọi liền 3 thanh niên ra mò, sau 4, 5 giờ "chiến đấu cật lực", chìa gãy lỏng chỏng cạnh lốp xe, cửa không mở, 3 thanh niên lắc đầu: "Y học bó tay!". Quá trưa, lái xe sốt vó thì có người mách lên Mơ gọi cậu Toàn, hơn 30 tuổi nhưng con nhà nòi, tay nghề vào loại nhất nhì Hà Nội. Không đầy một giờ Toàn làm xong chìa với giá 300.000 đồng, làm 3 thanh niên làng khóa phát choáng.

"Bao giờ thợ khóa thất nghiệp?". Có lẽ đến thời như Âu Mỹ ở hết chung cư, dùng thẻ quét, chỉ huy bằng điện tử. Chứ giờ ai mất chìa ít khi vứt khóa đi, chiếc khóa đồng treo Việt Tiệp 150 ngàn gọi thợ vẫn rẻ hơn. Thợ của ta giỏi về khóa cơ (mò bằng tay) còn dính vào điện tử thì phải nói đến châu Âu. Ngành khóa là ngành nhạy cảm, nghĩa là tích cực và tiêu cực chỉ có gang tấc. Làm bằng nghề thì sống, làm "tiêu cực" (cắt chìa cho ăn cắp, cho nghiện) thì nhanh giàu, nhưng dễ "ăn cơm cân mặc áo số". Nên có luật bất thành văn không cắt chìa in ra giấy, đất sét, xà phòng… vì đó là chìa ăn cắp. Làm thầy nuôi vợ, làm thợ nuôi miệng, nghề này thế mà khó giàu nếu chỉ làm thợ.

Không nhắc tới máy cắt chìa của Trung Quốc sang ta là thiếu to. Họ thính thị trường, nghiên cứu giỏi, năm 2000 bán 1,8 triệu/cái cả điện lẫn ắc quy. Cắt chìa mẫu là phôtô chìa, như phôtô giấy khai sinh, văn bằng, bên này để chìa mẫu, bên kia để chìa định cắt, bấm máy 10 giây là được chìa đẹp. Cần nhớ rằng đây là máy cắt mẫu, chứ không phải mò khóa và tương đối chuẩn thôi. Nhưng cả ngày ngồi làm vài chục, vài trăm chìa mẫu đỡ công sức và thời gian lắm.

Tương lai nào?

Khóa giữ nhà cho bạn, giữ xe cho bạn. Cuộc sống không biết bao nhiêu chuyện hằng ngày xảy ra với cái khóa. "Thà mất tiền hơn mất chìa khóa", chiều đèo con nhỏ về đến cửa mất chìa, để chìa trong nhà thì bạn sợ thế nào, nên còn một chìa phải cắt thêm, khỏi mất thời gian mời thợ, nên chìa luôn bất ly thân. Thăng Long khi hình thành làng nghề, thị dân, kẻ chợ đã có nghề truyền thống này rồi. Biết là vậy, nhưng làng khóa không dễ giữ như Đồng Kỵ mỹ nghệ, Vạn Phúc tơ lụa để mà đầu tư, đứng giữa ký hợp đồng. Cá thể 100%, thợ khóa đi rong sẽ hết như thợ cắt tóc ở Kim Liên vì già không có sức, thanh niên ngượng và ngại đạp xe ngày vài chục cây số, có chỗ học thì bỏ. Mở nhà máy ở làng, quy mô hợp tác xã như "Việt Thái" (Đại La), "Con voi" Vĩnh Phúc khó mà cạnh tranh với Việt Tiệp, Việt Nhật, Minh Khai, cả về tầm cỡ lẫn độ chính xác.

Vậy nên mơ đến một làng nghề e xa xôi quá. Nhưng cuộc sống còn cần thì "Khóa ơ" còn tồn tại.

Tiến 
Share:

x

1. Hà Nội: 098 956 3396

2. Hồ Chí Minh: 090 523 6005

3. Đà Nẵng: 097 170 8868

4. Buôn Ma Thuột: 098 857 2881

5. Cần Thơ: 094 357 3088

6. Campuchia: (+855) 316 183

Hỗ trợ lắp đặt