Các ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh tại các cơ sở điều trị đang tăng dần lên. Các ca bệnh nặng đã có tiến triển tốt, nhiều bệnh nhân đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 từ 1-3 lần. Tình hình đã có những dấu hiệu đáng mừng, tuy nhiên, chúng ta vẫn cần cẩn thận, tuân theo những khuyến cáo từ Bộ Y tế, và chủ động trang bị những kiến thức sức khỏe để bảo vệ bản thân và những người thân yêu.
Để phòng việc bị lây nhiễm virus qua các vật dụng thì biện pháp cơ bản, quan trọng nhất vẫn là rửa tay, đặc biệt là sau khi cầm nắm, sờ chạm và các vật dụng ở nơi công cộng. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quên vệ sinh không gian quanh mình để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus SARS-CoV-2 cũng có thể bám trên các đồ vật và bề mặt các vật dụng như: nút bấm thang máy, tay nắm cửa, và các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính xách tay… Trong điều kiện phù hợp, vi khuẩn gây bệnh có thể tồn tại từ 1 đến 3 ngày trên bề mặt các vật dụng nếu không được vệ sinh kỹ lưỡng. Do đó, nếu bạn chạm vào bề mặt nhiễm virus rồi chạm lên mặt thì sẽ dễ dàng nhiễm COVID-19.
Những vị trí “nóng” đừng nên bỏ qua
Tay nắm cửa là một trong những bề mặt chứa nhiều vi khuẩn nhất do chịu nhiều lượt tiếp xúc mỗi ngày. Chưa kể, tay nắm cửa là vị trí đầu tiên chúng ta tiếp xúc mỗi khi từ bên ngoài trở về, nhưng lại là vị trí thường thường xuyên bị bỏ quên nhất khi dọn dẹp nhà cửa.
Điện thoại thông minh: Không thể phủ nhận được vai trò của điện thoại thông minh trong cuộc sống thời 4.0. Điện thoại thông minh giúp chúng ta làm việc, học tập, giải trí và liên lạc với nhau. Chính điều này dễ dàng khiến điện thoại trở thành vật trung gian lây truyền virus. Việc tay tiếp xúc với điện thoại rồi chạm lên da, cầm nắm thức ăn có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ viêm nhiễm.
Laptop: Tương tự với điện thoại, laptop là trợ thủ đắc lực của dân văn phòng, nhưng lại chính là "ngôi nhà chung” của các loại vi khuẩn. Đôi tay tiếp xúc với vi khuẩn từ môi trường bên ngoài, cộng thêm nhiệt độ lý tưởng khiến vi khuẩn dễ dàng sinh sôi.
Điều khiển TV: Nếu bạn có thói quen vừa ăn vừa xem TV thì đây chính là lý do khiến điều khiển TV trở thành ổ chứa vi khuẩn trong nhà. Vụn đồ ăn, dầu mỡ, bụi bẩn tích tụ sẽ trở thành môi trường cho các loại vi khuẩn gây bệnh. Để tránh khỏi điều này, bạn có thể bọc điều khiển TV trong bọc bảo vệ, và hạn chế ăn bằng tay khi xem TV.
Bên cạnh đó, một số vị trí khác cũng có thể dễ dàng trở thành "ổ chứa mầm bệnh" như tay nắm cầu thang, thang máy, và van nước... Đây là những bề mặt thường xuyên tiếp xúc và chứa nhiều virus gây bệnh, trong đó có các loại virus cúm. Vì vậy, một trong những biện pháp quan trọng để phòng bệnh là vệ sinh, khử khuẩn ít nhất 2 lần/ngày đối với các bề mặt tiếp xúc thường xuyên để ngăn ngừa và phòng chống dịch bệnh.
Cách vệ sinh không gian để phòng chống dịch bệnh
Để vệ sinh, khử khuẩn môi trường phòng chống dịch COVID-19 tại gia đình, chúng ta cần làm theo hướng dẫn của Cục Quản lý Môi trường y tế như sau:
- Khử khuẩn ít nhất 01 lần/ngày đối với các vị trí nền nhà, tường, bàn, ghế, đồ vật, bề mặt có nguy cơ tiếp xúc và khu vệ sinh.
- Khử khuẩn ít nhất 02 lần/ngày đối với các vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy, công tắc điện, bàn phím máy tính, điều khiển từ xa, điện thoại dùng chung. Tắt các thiết bị điện tử, công tắc đèn trước khi khử khuẩn.
- Bạn có thể sử dụng các chất tẩy rửa thông thường hoặc tự pha dung dịch tẩy rửa theo công thức sau: 10ml dung dịch tẩy rửa gia dụng với 1 lít nước hoặc dung dịch chứa 0,05% Clo hoạt tính để vệ sinh các bề mặt. Cần lưu ý chỉ pha lượng đủ dùng trong ngày, không để dung dịch đã pha sang ngày hôm sau vì hàm lượng Clo hoạt tính trong dung dịch không còn đủ để khử khuẩn.
Cùng Khóa Việt-Tiệp đoàn kết, chung tay đẩy lùi COVID-19!